QUÁI LÝ LIÊN QUAN SƠ GIẢI (1)
Quái Lý liên quan là ở tam Quái Chính, Hộ, Biến có liên quan mật thiết với nhau mà thành một cục diện diễn biến, cũng như một sự việc của chúng ta ở ngoài đời khi đã có khởi đầu cuộc thời ắt phải có trung cuộc và kết cuộc. Lý đương nhiên của mọi vật mọi việc đều như vậy, cho nên người học Dịch không được phép bỏ qua cái ý tượng của tam Quái.
Cái ý tượng của tam Quái là một điều tối cần và đặc sắc nhất như là một cái bờ, một cái bến trong biển cả Vũ Trụ, cần phải đọc cho được cái ý tượng của tam Quái hầu có thể nói lên cái chính lý cái nhịp điệu trong mọi sự việc tùy theo thời đại và cá tính của sự động, từ trong bao la Vũ Trụ mà người học Dịch thu tàng về nhỏ nhất (phân tích, truy nguyên) nhỏ thật nhỏ, nhỏ nữa cho đến cõi vô tư mà thành ra thấu triệt cái lý nhiệm mầu.
Ví dụ: chúng ta đang ở trong nhà nghe nói rằng có xe cảnh sát đến, ta mở Dịch ra xem được Dịch Tượng
Lôi Thủy Giải | Thủy Hỏa Ký Tế | Địa Thủy Sư |
Dịch hiện ra thành Quái Tượng rồi ta đem hết tinh thần học biết của ta nhìn vào Quái Tượng như nhìn vào người câm không nói, nhưng khi ta đã học hiểu tường tận Quái Nghĩa rồi, thời ví như người câm có ra điệu bộ ta cố bình tĩnh vô tư đừng hấp tấp cứ đọc đi đọc lại ý nghĩa của Quái Tượng cũng như ta đang lúc hết sức chú trọng xem người câm ra bộ ra tịch, nên quên hẳn đi cái việc xe cảnh sát đến, ắt ta sẽ đọc lên được nghĩa Quái trên thế này: nơi nơi, hợp cùng, ủng hộ nhau.
Bấy giờ ta mới tan cái ý nghĩa: nơi nơi, hợp cùng ủng hộ nhau ấy vào việc chiếc xe cảnh sát đến, như vậy ta được cái ý nghĩa với tình tiết của chiếc xe cảnh sát này theo thời đại hiện hữu là xe của Police Secours vì chỉ có nhóm này mới rong qua đường này sang đường nọ (là nơi nơi). Khi có sự động biến thì được chỉ định đến đó (là hợp cùng) mà ứng phó giúp đỡ (là ủng hộ nhau).
Thế là cả một Quái Lý liên quan mà đưa chúng ta đến cách hiểu biết chính xác của sự động bên ngoài hoặc chung quanh ta, hoặc chính bản thân ta, nghiệm rằng: muôn việc động bên ngoài mà trong Dịch đã động như đã an bài. Tại sao có thể như thế được?
Đáp: Vì các việc mắt thấy, tai nghe, tâm nghĩ đến đều là do hệ thống Âm Dương biến chuyển mà sanh ra, luật Âm Dương chi phối khắp mọi nơi là cái luật vần xoay biến đổi mà khoa Dịch Lý Học là khoa Âm Dương Động Tĩnh biến hóa cho nên sự động của chúng ta và muôn loài có diễn xuất khác nhau, xét về sự diễn xuất theo Âm Dương luật chỉ có 64 trạng thái biến động trong 384 tình tiết, đó là luận theo siêu việt nguyên thủy học, rồi cái cớ động biến ở cõi hữu hình hay vô hình đều không ngoài lý siêu việt nguyên thủy đó, cho nên người học Dịch thường ưa thích về tri lai, tri vãng là thường muốn học về cái biết đã qua, sắp đến. Nhưng biết cái đã qua, sắp đến là một cái biết khó nhất, Kinh Dịch đòi hỏi các bậc học giả nhiều điều như là kiên nhẫn, tự tín, chú tâm và vô tư, cẩn trọng mà tác hợp. Cẩn trọng mà tác hợp là khi đã đọc lên được cái lý vô tư, rồi đem lý ấy ẩn gả vào cho một sự việc hoặc theo tính, theo tình, theo sắc, theo chất, theo thể, bởi vì người đời có khi muốn hiểu về tính, có khi về tình, có khi về chất, có khi về sắc, có khi về thần, có khi về hình thể muôn trùng không kể xiết.
Ví dụ 2: Cũng theo ý nghĩa của Dịch Tượng trên là: Nơi nơi, Hợp cùng, Ủng hộ nhau.
Bỗng nhiên một bữa nọ ta đang ở nhà có nhận được một điện tín báo rằng: chồng em chết đem xuống 2.000 đồng.
Nếu chúng ta không học Dịch thời điện tín ấy đã xông cho chúng ta một không khí buồn lo trong gia đình.
Ngược lại, khi đã học được Dịch rồi, thời chúng ta chỉ nhìn vào Quái Tượng ta đã trang được là cái lý vô tư nói lên rằng: Nơi nơi, Hợp cùng, Ủng hộ nhau ta dụng cái lý ấy mà tan vào bức điện tín kia thời chồng của em mình đâu có chết, nó chỉ là loan tin, để cho mình đến mà giúp đỡ nó. Ấy vậy, khi chúng ta đã lĩnh hội được lý của Dịch, rồi dùng xài với tấm lòng vô tư thời có lúc thoát khỏi được, khi có việc bí ẩn muốn đánh lạc hướng của chúng ta (Nơi nơi của giấy tờ là loan truyền, Nơi nơi của nước là lưu thông…..).
Ví dụ 3: Chúng ta đang ở trong một cảnh chùa bỗng nhiên có một người nữ già đến xin tá túc, chúng ta không biết rằng người ấy đến với tư cách nào, là người do thám hay ăn trộm đồ trong chùa, hoặc làm hoen ố cho cảnh tu hành.
Nhưng nếu chúng ta có học Dịch khi mở Dịch Tượng ra xem, thấy Quái lý liên quan là Nơi nơi, Hợp Cùng, Ủng hộ nhau, thời chúng ta có thể hiểu tư cách của người đàn bà này là chí muốn đi nơi này cảnh nọ rồi cùng với người cảnh ấy mà làm công quả giúp bá tánh.
Nếu người ấy xin ở luôn trong chùa này để tu hành thì không chính lý vì Quái Nghĩa là Nơi nơi, không có nghĩa là ở luôn một chỗ..…
QUÁI LÝ LIÊN QUAN (2)
Ví dụ 1: Trang được Dịch Tượng Thủy Sơn Kiển, Hỏa Thủy Vị Tế, Thủy Hỏa Ký Tế, nay đọc lên cái lý vô tư là: Trở Ngăn, Thất Bát, Hợp Cùng. Nếu giờ này ta có nghe người báo rằng: anh vào đi tôi tim thuốc cho thời khỏi bệnh. Nhưng Dịch Lý đã hiện ý là trở ngăn, thất bát, hợp cùng, người học Dịch nhìn hiểu Quái Tượng như vậy thời có thể hội ý rằng: kim rút thuốc bị nghẹt (trở ngăn), phải xoi kim cho mất đi cái bụi đất (thất bát) hoặc là bỏ cây kim ấy cũng là thất bát phải dùng kim khác mới rút thuốc vào được (hợp cùng) hoặc mới có thể bơm thuốc vào người được cũng là nghĩa hợp cùng.
Hoặc ngầm hiểu rằng: thuốc này tim vào chưa thấy hiệu nghiệm được, nhưng bẵng đi ít ngày thuốc thấm mới trả lại cho ta thấy kết quả quân bình sức lực.
Ví dụ 2: bỗng nhiên có người đến khóc lóc mà nói lên rằng: con tôi nó đã bị bắt. Người học Dịch không được phép hoang mang theo lời nói hoặc sự khóc lóc của họ, mà phải cầm lòng, cầm trí vào ý nghĩa của tam Quái liên quan là Trở Ngăn, Thất Bát, Hợp Cùng. Kế đó đem tan cái ý nghĩa của tam Quái ấy vào việc người bị bắt, là bị chận không cho gặp nhau, hợp nhau. Gặp người thông minh sẽ công nhận rằng: phải rồi nó chận bắt con tôi trước cửa (trở ngăn) lúc chưa kịp (thất bát) bước vào nhà (hợp cùng). Thể theo lý thì phần kết cuộc là hợp cùng cho nên dầu vậy người ấy cũng vẫn xin phép vào nhà được và báo tin mình bị chận bắt trước cửa đây.
Cũng thể theo lý ấy, chúng ta có thể dụng lòng nhân mà vơi bớt đi sự đau buồn cho người mẹ của đứa con lâm nạn ấy bằng một tinh thần vô tư rằng: bà hãy nén lòng chờ đợi, sẽ có sự cản ngăn (trở ngăn). Nhưng con bà phải vắng mặt trong ít hôm (thất bát) rồi sẽ được thả ra mà trở về (hợp cùng). Vì cái lý Kiển không có nghĩa là giam cầm, cái nghĩa giam cầm ít nhất phải là Địa Sơn Khiêm hay Thuần Khảm (tùy theo động hào mà suy luận).
Ví dụ 3: Nếu giờ này bỗng nhiên nghe nói rằng: muốn phát huy về kinh tế tự túc để đem lại cảnh sống quân bình trong thiên hạ với Quái Nghĩa kể trên là: Trở Ngăn, Thất Bát, Hợp Cùng.
Thời chúng ta có thể hiểu như thế này..… Muốn phát huy song bị trở ngại, trở ngăn vì chưa có được, thất bát hợp lý hóa hoặc hợp thức, hợp cùng.
Hoặc giả ý tứ phát huy ấy có sự trở ngại, vì không nêu rõ cảnh đói khó, thất nghiệp không công ăn việc làm, nhưng rồi một thời gian sau nhà cầm quyền cũng lo cho xong cho thành tựu.
Ví dụ 4: Chúng ta đang ngồi trên một chiếc xe hành khách, xe này muốn ghé tạm, thời chúng ta có thể hiểu ý rằng có sự cản trở trước đầu xe, hoặc vì người què, hoặc có đứa nhỏ nhắc cò cò. Đó là nói theo hình dáng của quẻ Kiển, phải chờ khi nó đi rồi ta mới ghé vào được, cũng là ý nghĩa Trở Ngăn, Thất Bát, Hợp Cùng. Lại nói một chiếc xe hành khách muốn khởi hành, thời chúng ta lại hiểu rằng : chưa đi ngay được vì còn thiếu mặt người nào đó, hoặc vì yếu tố khác, phải cùng có cùng đi trên chiếc xe này, đại để của nó là: Trở ngăn, Thất bát, Hợp cùng..…
Nếu có ai nói chuyến xe này bị ngăn giữ hẳn không chạy thì không chính lý vì nghĩa Kiển là ngăn trở làm cho chậm chạp mất thời giờ chứ không có nghĩa là bị chận hẳn như là Thuần Cấn, Thuần Khảm,..… Thuần Cấn vật trên 1 chiếc xe là đôi dè xe (garde boue). Thuần Khảm vật trong một chiếc là cái bộ thắng (phanh Frein).
QUÁI LÝ LIÊN QUAN (3)
Ví dụ 1: Trang Dịch Tượng Địa Hỏa Minh Sản, Lôi Thủy Giải, Địa Lôi Phục. Lý vô tư là Hại đau, Nơi nơi, Trở lại.
Nếu giờ này ta có nghe một tướng lãnh nói rằng: bộ tham mưu đề cử tôi xuất binh ra trận chuyến này. Dịch Lý hiểu ý là: Hại đau, Nơi nơi, Trở lại. Người học Dịch nhìn hiểu Quái Tượng như vậy thời có thể hội ý rằng chuyến đi thì không sao, nhưng ắt có lẽ bị thương tích (hại đau) trong con mưa rơi rớt (nơi nơi) trên bước đường trở về (trở lại).
Hoặc nói cách khác: ắt phải bị thương vì cánh quân rời rạc trong khi trở về. Hoặc nói coi chừng sẽ bị bích kích pháo (hại đau), chỗ giáp mối nước của các kinh rạch lưu thông (nơi nơi) trên bước đường trở về (trở lại).
Ví dụ 2: Ta thường đến nhà một người bà con, bữa nọ ta cũng đến, bỗng nhiên nghe nói rằng: tôi trông chờ chú đến để hỏi chú một việc mà bây giờ gặp chú thì lại quên, không nhớ là việc gì.
Người học Dịch mở quẻ ra xem hiểu cái ý tượng liên quan của tam Quái là: hại đau, nơi nơi, trở lại, rồi tùy theo tình trạng cá nhân, đây là một tình trạng có thể nói: phải chăng cháu muốn hỏi chú về bệnh hoạn của cháu (hại đau) món thuốc để trị về huyết quản lưu thông (nơi nơi) để bồi bổ lại sức khỏe (trở lại).
Ví dụ 3: Có người bạn kia là nhà thương mại Đô Thành đến nhà mình cùng nhau đàm đạo, sau khi câu chuyện đã gần tàn bỗng nhiên hỏi rằng:
Người học Dịch như anh có thể biết được hiện giờ nhà tôi có việc gì xảy ra không?
Nhân Quái Lý liên quan là: Hại Dau, Nơi Nơi, Trở Lại, ta liền tan cái Quái Lý ấy vào tình trạng cá nhân Đô Thành thương mại ban đêm (Dịch Tượng Địa Hỏa Minh Sản thuộc giờ Dần hoặc Tuất) theo thời đại hiện hữu, có thể bảo với người bạn ta rằng:
Đèn điện nhà bác không cháy (hại đau: ánh sáng bị thương) do nơi phân phối điện lực (nơi nơi) bị sức phản lực của điện (trở lại).
Hoặc nói vắn tắt rằng: có bóng đèn không cháy (hại đau) nơi bảng quảng cáo của anh (nơi nơi) mới vẽ lại đó (trở lại) (ý nói bảng vẽ bị phai màu vì phong vũ, do nước sơn không tốt nên phải phục sắc).
QUÁI LÝ LIÊN QUAN (4)
Đại để trong nhân quần xã hội chỉ có sự bằng lòng hay không bằng lòng mà thôi. Bằng lòng ta, hợp ý ta thì ta cho là kiết, không bằng lòng ta, nghịch ý ta thì ta cho là hung. Hoặc cho là buồn vui, là họa là phúc, là chính là tà, là xấu là tốt. Nhưng nếu chúng ta có ý thức được như các bậc tiền nhân Á Đông rằng: các sự việc đều không dừng lại một chỗ, nó chỉ là một cục diện diễn biến mà trên cục diện ấy có ta góp phần diễn xuất. Rồi muôn cái đều phải trôi qua, trôi qua mãi, giây phút này bị chồng lên giây phút khác, ngày này bị chồng chất lên ngày khác, khí tiết này lại đổi thay khí tiết khác, cái hiểu biết khác, không bao giờ biết đình nghỉ. Đấy gọi là Dịch.
Trong Dịch Lý chỉ nói Âm Dương mà không nói kiết hung, vui buồn, họa phúc như định kiến của ta thật là hết sức vô tư.
Khi luận cho người học thì tự nhiên phải mượn nghĩa kiết hung, chính tà là để làm tiêu chuẩn cho rõ lý Âm Dương. Bởi cớ ấy nên trong hệ từ, hào từ, thoán từ của Dịch Kinh cũng không thoát khỏi cớ kiết hung, chính tà.
Trong Quái Lý liên quan đã nêu lên cái ý thức vô tư ấy là rất mong ở sự học Dich của bậc hiền nhân quân tử, mặc dù có nói lên tình tiết những câu chuyện dữ lành trong nhân thế, nhưng chỉ có ý làm nấc thang học tập. Quí vị học giả không nên lấy làm điểm yếu mà sinh ra mất sự huyền diệu của Dịch Lý.
Người mà học rõ được cái lẽ kiết hung, tức như đã thấu triệt cái lý tương đối Âm Dương Lý vậy, có đi qua đoạn đường tương đối học ắt sẽ tiến vào tuyệt đối mà không còn ngã khác để tiến nữa, ai tiến vào đấy được ắt có một sức hiểu biết phi thường là có một Đạo Biến Thông Thiên Địa, cảm thông cùng tất cả muôn loài vạn vật, không còn ngờ vực vậy.
QUÁI LÝ LIÊN QUAN (5)
Ví dụ 1: Trang được Dịch Tượng Trạch Sơn Hàm, Thiên Phong Cấu, Trạch Hỏa Cách, nay đọc lên cái lý vô tư là: Thụ cảm, Cấu kết, Đổi thay.
Nhà học Dịch có thể hội ý quẻ này, rồi hòa nhã mà nói với bạn rằng : tôi cho là tin ấy không chắc, rồi đây có sự thay đổi, thiên hạ sẽ tiếp được tin (thụ cảm) về công cuộc gặp gỡ của hai hội bóng tròn (cấu kết) xin dời lại qua ngày khác (đổi thay).
Ví dụ 2: Có người nọ nói với ta rằng: tôi được lịnh phải đi yết kiến thượng cấp mà không biết việc lành dữ ra sao?
Theo lý của quẻ trên là: Thụ cảm, Cấu kết, Đổi thay. Dịch học có thể ngầm hiểu rằng: người đi yết kiến sẽ nghe thấy cái ý tứ (thụ cảm) về sự liên hợp buổi ấy (cấu kết) trong công cuộc cải tổ (đổi thay).
Hoặc nói rộng ra: cái ý tứ làm cho thiên hạ bẩm thụ (thụ cảm) về sự can hệ là sự liên kết (cấu kết) để làm cho cái đạo cải cách trong thiên hạ (đổi thay).
Ví dụ 3: Bữa nọ có một người bạn nói rằng: tôi được giấy mời của Sở Vệ Sinh Đô Thành, thì Dịch học ngầm hiểu rằng Sở dĩ mà tiếp nhận được giấy mời (thụ cảm) là do người ở liền vách với anh (cấu kết) nói về anh sửa đổi cái gì đó ở nhà anh đó (đổi thay).
Hoặc nói cách khác anh tiếp nhận được giấy mời (thụ cảm) là anh phải gặp gỡ tại văn phòng (cấu kết) để trả lời về sự đổi bỏ cái gì đó (đổi thay).
QUÁI LÝ LIÊN QUAN (6)
Thường người học Dịch hay ngờ vực trên bước đường sơ học vì nhiều lý do, nhưng tôi xét rằng có một lý do này trở ngại nhất nên xin ghi ra đây để làm tài liệu học tập.
Ví dụ: Có một văn phòng thương mại của một tư nhân đã cất trên một khoảng đất dính liền với nhiều căn khác.
Bữa nọ người chủ văn phòng thương mại ấy nói chuyện với nhà Dịch học, người học Dịch mở quẻ ra xem được quẻ nào đó..… Đến vài hôm sau lại hỏi chuyện về văn phòng thương mại ấy nữa, người học Dịch mở quẻ ra xem, lại được quẻ khác, như thế thì sự việc có khác, ắt có thay đổi hay sao?
Để trả lời Quái Lý ấy, nay xin đem Quái Lý liên quan kèm theo câu chuyện ngộ nghĩnh là số phận của một văn phòng thương mại của một ông chủ nọ vẫn ở một chỗ, ở vị trí cũ, thế mà ở trong Dịch lại đổi chỗ của nó thật là vui lạ, chắc quí vị rất tức cười trước khi đọc, có lẽ cho là vô lý mà thực ra là chính lý, chúng ta và muôn loài cũng bị đổi chỗ như thế mà không hay biết. Chúng ta ai ai cũng đều có thể cả tiếng lên rằng: tôi là người, là thông thái, là bác học, là chúa tể muôn loài. Tôi có quyền thế, tôi có đất, tôi cất nhà trên đất tôi, vị trí tôi đã đặt, ai đổi chỗ được, nếu tôi thấy phá hủy, tôi không đổi nó, vậy thì ai đổi nó, sức huyền diệu nào dẫn dắt ta? Hành động nào chỉ huy ta và cả trong Vũ Trụ?
Đáp rằng: chúng ta và muôn loại vạn vật có biết đâu trong cái tôi nhỏ nhít ấy hằng giây, phút, hằng vô giây còn có cái Lý Động Tĩnh, đổi ta, đổi cả nhà ta và thân xác ta ra thể khác, chi phối trong khắp nơi nơi cùng tất cả muôn loài vạn vật đều có Lý Động Tĩnh chỉ huy, Lý là cái lu mờ, Động Tĩnh ví là cơ ngẫu, lại nói là Âm Dương có thể thấy được. Muôn cái Động Tĩnh mà qui kết thành một lối Động Tĩnh, thành một qui tắc, thành một Đạo Lý, hoặc thành một Đảng phái, suy từ đại thể mênh mông, mà về một khóm nhỏ xíu đều là như vậy.
Dưới đây là hình thể của Quái Lý liên quan, kèm theo câu chuyện văn phòng thương mãi bị Dịch đổi chỗ của nó, mà nó vẫn trơ trơ chỗ cũ. Cái khó của chúng ta, nên chú ý học ý nghĩa quẻ này là từ ở lý mà diễn về hình thể học.
Trang quẻ lần 1 được Thiên Sơn Độn, Thiên Phong Cấu, Hỏa Sơn Lữ.
Lý vô tư này đọc là: Lui ẩn, Cấu kết, Đổ nhờ.
Nhà Dịch học sẽ nói rằng: Văn phòng thương mãi ấy lui thụt (lui ẩn) mà dính liền vách (cấu kết) với khách sạn (đổ nhờ).
Trang quẻ lần 2 cách vài hôm sau được Hỏa Sơn Lữ, Trạch Phong Đại Quá, Thiên Sơn Độn.
Lý vô tư này đọc lên là: Đổ nhờ, Cả quá, Lui ẩn.
Nhà Dịch học sẽ nói rằng: khách sạn (đổ nhờ) xây cất to quá (cả quá) mà thành ra khuất ẩn văn phòng thương mãi (lui ẩn).
Trên là phần lý thuyết, còn dưới đây là hình thể học, xin diễn ra để có thể quan sát hoặc ý thức rõ rệt dễ hơn lý.
Đây là con đường thiên hạ hai đầu đi lại.
Nếu ta trang quẻ lần thứ nhất thì có nghĩa là ta đi từ A đến O thì ta thấy văn phòng thương mãi ẩn lùi và liền vách với quán trọ.
Nếu ta trang quẻ lần thứ hai thì có nghĩa là ta đi từ B đến O thì ta thấy quá trọ to quá là khuất ẩn văn phòng thương mãi.
Suy ra trong ấy các việc động của chúng ta đi lại chiều này hoặc chiều khác mà sinh ra vị trí văn phòng thương mãi bị đổi chỗ, các việc Động Tĩnh trong chúng ta cùng với thời đại hoặc là các cái vần vũ chung quanh ta cũng đều bị biến đổi thành ra xa đường hơn hoặc gần hơn, theo Quái Nghĩa trên thì mỗi chiều có một Lý riêng, nhưng tựu trung hai cái mới sinh ra Lý, Lý là khởi từ ở hai cái, văn phòng và quán trọ vậy.