GIỚI THIỆU VĂN-MINH DỊCH-LÝ VIỆT-NAM

thanhai2000Tháng hai 9, 2017
423 lượt xem

GIỚI THIỆU

VĂN-MINH DỊCH-LÝ VIỆT-NAM

      Gọi là giới-thiệu Dịch-Lý Việt-Nam, trong sự-thật giới-thiệu Dịch-Lý Việt-Nam không có nghĩa là khoe-khoang, tự cao, tự đại, tự mãn, mà chỉ có ý-nghĩa rằng: VIỆT-NAM DỊCH-LÝ HỘI tự phải có trách-nhiệm về Dịch-Lý đối với quần-chúng Việt-Nam, cũng như tự có trách-vụ góp công góp sức chung lo xây-dựng nền Văn-Học Nước Nhà.

Trách-nhiệm Chính Danh và Chính Lý cho ý-nghĩa Danh-từ Dịch-Lý là bổn-phận của VIỆT-NAM DỊCH-LÝ HỘI, một HỘI đầu tiên tự cổ chí kim và duy-nhất trên khắp Hoàn-Cầu. Chúng tôi nghĩ rằng đây là trách-vụ của Hội không những trong hiện-tại mà phải là của muôn đời và mãi mãi. Nói rõ xương máu của Dân-Tộc Việt-Nam đã đổ ra một cách man-rợ trong 30 năm nay; trong hoàn-cảnh ấy, một Chí-Khí tự-cường, một hướng tiến vươn lên để hình thành Nhóm ÂM-DƯƠNG-HỌC TỪ-THANH, rồi tiếp nối theo đó hoá-thành ra là VIỆT-NAM DỊCH-LÝ HỘI, kể từ năm Ất-Tị. Dịch-Lý Việt-Nam do Công-lao Thiện-chí và xương máu của nhiều người Việt-Nam có chí-khí Quốc-Gia Dân-Tộc. Cho nên bọn người vong-bản, bán nước cầu vinh không còn có lý-do gì để hãnh-diện khi lo in sách Dịch-Lý của ngoại-bang, là một điều đầu độc vô-tình hay cố-ý vào tuổi trẻ Việt-Nam. VIỆT-NAM DỊCH-LÝ HỘI đã thành hình trên năm năm nay. Chúng tôi đã có mặt nên không thể im-lặng nhìn thấy hoặc lắng nghe ngoại-bang đời đời phỉ-nhổ lên trên kiến-thức Văn Hóa Nước Nhà do bọn ngụy trí-thức gây ra.

Với Trách-vụ sao cho xứng-đáng với danh xưng VIỆT-NAM DỊCH-LÝ HỘI, chúng tôi vạn bất đắc dĩ phải chính danh, chính lý cho cái ý-nghĩa của Danh-Từ Dịch-Lý, như đã nói, chúng tôi không tài nào ngồi im, cam chịu trốn tránh bổn-phận, khi mà khắp nơi trong nước Việt-Nam đều nói về Dịch-Lý, ca-ngợi Dịch-Lý mà hóa ra vô-tình hay cố-ý bôi lọ DỊCH-LÝ.

Thành lập VIỆT-NAM DỊCH-LÝ HỘI là để khai-mở KỶ-NGUYÊN MỚI, KỶ-NGUYÊN TIÊN-HẬU-THIÊN TRÍ-TRI Ý cho Nhân-loại. Với Tôn-chỉ đó, mục-đích đó, chúng tôi tự phải nói, phải làm trong phạm-vi Dịch-Lý nghèo-nàn.  Nghèo nàn đang là cương-vị của tất cả Hội-viên VIỆT-NAM DỊCH-LÝ HỘI và chỉ nghèo trên phương-diện vật-chất mà thôi. Tuy vậy chúng tôi vẫn cố-gắng để trao được tận tay Bạn một ít tài-liệu cho tròn bổn-phận của VIỆT-NAM DỊCH-LÝ HỘI. Tài-liệu này đến tay các Bạn được là do sự cố-gắng của các Học-viên đàn em kịp ý-thức được trách-nhiệm trên bước đường tu-học.

Trên đường học hỏi với những năm, tháng, ngày, giờ lục lọi tìm tòi, nghiên cứu, chúng tôi có cơ-hội giao-tiếp với nhiều bậc cao-minh, thông hiểu về Dịch, chúng tôi được biết rằng: Mặc dầu cùng trong một Nhà DỊCH-LÝ, nhưng chúng ta mỗi người hiểu Dịch Lý hơi khác nhau, nhiều khi lại khác hẳn. Ấy là do công phu nghiên cứu riêng của từng người về một ngành học nào đó của Dịch, rồi cho rằng DỊCH-LÝ là như thế, theo nhu cầu riêng của mình. Chứ chúng ta chưa có một Thống quan Tổng tập, một nhận xét chung về Dịch Lý một cách Chính Danh và Chính Lý của nó.

Thiết nghĩ, chúng ta cũng cần nên chính danh, chính lý một lần về danh từ DỊCH-LÝ, để về sau này hy vọng không còn nhiều người hiểu sai lệch về Dịch Lý nữa.

Vậy, vấn đề trước tiên được đặt ra hôm nay trong chúng ta chỉ vỏn vẹn có một câu hỏi như sau:

DỊCH-LÝ LÀ GÌ? Ý-NGHĨA RA SAO?

      Sự trả lời cho câu hỏi Dịch Lý là gì đó, tức như gián-tiếp giới thiệu DỊCH-LÝ VIỆT-NAM, chớ không có gì khác hơn nữa.

Lâu nay, Dịch Lý đã được và bị người đời vô-tình hay cố-ý Lồng vào trong hoặc khoác bên ngoài cho các ngành học thuật. Họ đề cao Dịch Lý qua từng ngành học thuật theo sở trường, sở đoản của riêng mình. Chẳng hạn, như trong các ngành Y học, Võ học, Văn học, Triết học, Đạo học, Xã hội học, Chính Trị học, Quân Sự học hay trong các Khoa như Khoa Thiên Văn, Địa Lý, Bói Toán với nào là Tử Vi, Thái Ất, Lục Nhâm, Mai Hoa, Ký Môn, Bốc Dịch v.v…

Thiên hạ làm rầm rộ đến nỗi ngày nay các cánh Khoa Học Tây-Phương phải dè dặt kiêng nể, phải bù đầu bù cổ. Họ tìm tòi khắp nơi những gì có liên quan đến Dịch Lý. Họ hy vọng khám phá ra một định lý, một định luật khả dĩ gọi là một phát minh mới để lòe hàng xóm…

Việc này đã và đang trở thành một phong trào công khai hay ngấm ngầm nghiên cứu Dịch Lý trong khắp các Quốc Gia Văn Minh Tân Tiến, với niềm hy vọng: Biện Chứng DỊCH LÝ sẽ là nơi, là cửa ngõ mở rộng để cho chúng có CHÍNH NGHĨA đối với cục-diện Nhân-Loại hiện nay. Sở dĩ chúng mất CHÍNH NGHĨA, bởi vì, một khi Nhân-loại không còn tìm thấy được cái CHÍNH NGHĨA ra sao ….

      Nhưng có lẽ chúng ta chưa cần tìm hiểu vấn đề này ngay bây giờ, vì lẽ mục đích của chúng ta ngay từ đầu là giới thiệu DỊCH LÝ VIỆT NAM và đồng thời Chính Danh, Chính Lý cho hai chữ DỊCH LÝ mà thôi. Vậy chúng ta bắt đầu trải qua một số nghi vấn về DỊCH LÝ.

NGHI VẤN THỨ NHẤT: DỊCH LÝ THUỘC VỀ DANH NGÔN
Dịch Lý có phải là những câu chuyện được lồng vào trong các Danh Từ như Âm Dương, Vô Cực, Thái Cực, Lường Nghi, Tứ Tượng (Thái Âm, Thái Dương, Thiếu Âm, Thiếu Dương), Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ), Bát Quái (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài) hoặc Tiên Thiên Bát Quái, Hậu Thiên Bát Quái hoặc Thập Can Thập Nhị Chi (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý), (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi)…

Xin thưa ngay rằng: Không phải. Đó chỉ là những Danh Từ, những hình bóng làm ký hiệu để diễn tả Dịch Lý chứ chưa phải là Dịch Lý.

NGHI VẤN THỨ HAI: SỞ CHỦ CỦA DỊCH LÝ LÀ AI? Ở ĐÂU? AI PHÁT MINH, KHÁM PHÁ RA DỊCH LÝ?
Dịch Lý có phải là của Dân Tộc Trung Hoa , của Phục Hy, của Trần Đoàn , của Thiệu Khang Tiết, hay của Dân Tộc Việt Nam, của Trần Hưng Đạo, của Trạng Trình, của La Sơn Phu Tử, của Phan Bội Châu…?

Xin thưa: Dịch Lý không phải của bất cứ một Dân Tộc nào và cũng chẳng phải của ai cả. Đó chỉ là Địa phương và Con người ở vào một Thời đại nào đó, nghiên cứu, khám phá, hiểu biết sao đó về Dịch Lý rồi làm lại thành một vấn đề, áp dụng vào xã hội Loài người với ngành này, ngành nọ hoặc lập thành học thuyết, chủ nghĩa dựa vào DỊCH LÝ. Các sự việc ấy chỉ đáng gọi là DỊCH LÝ HỌC mà thôi.

NGHI VẤN THỨ BA: DỊCH LÝ THUỘC LÃNH VỰC SIÊU KHOA HỌC & KHOA HỌC THỰC NGHIỆM.

  • Dịch Lý có phải là Số học, là Nguyên Tử, Khinh khí học, là Sinh khắc học không?
  • Dịch Lý có phải là Bói toán mà người đời thường gọi là Bấm Độn, là Bốc Dịch, là Quẻ Diệc, xủ quẻ gieo tiền, mai rùa, cỏ thi chăng?
  • Dịch Lý có phải là xem Thiên văn, Địa Lý, các vì tinh tú, sơn thủy long mạch, bùa ngải ếm ma trừ quỷ chăng?
  • Dịch Lý có phải là phép trị liệu bệnh tật, tìm cách sống trường sinh bất tử, tu Tiên mà người ta thường gọi là Y Dịch chăng?
  • Dịch Lý có phải là phép luyện thân thể để tự vệ hay đánh nhau như trong mọi ngành võ thuật xưa nay chăng?
  • Dịch Lý có phải là sách lược tranh bá đồ vương, giữ an bờ cõi như qua các truyện Tam Quốc Chí với Khổng Minh, Chu Du, Tư Mã Ý,… hay trong Lịch sử Việt Nam như Trần Hưng Đạo, La Sơn Phu Tử chăng?
  • Dịch Lý có phải là những triết Lý Siêu Hình, những Lý Luận Lý về Vũ trụ như Đạo Học của Lão Trang hay Thiền Học, Siêu Nhiên Học, Nguyên Thủy Học, Phân Tâm Học, Thần Học,… được lồng vào trong Giáo Lý, Giáo Điều của Bà La Môn, Phật Giáo, Thiên Chuá Giáo v… hay đó chỉ là những lề lối, khuôn phép sống trong xã hội Con người, tu thân, nhìn biết Dịch Lý có khi khác nhau và rồi kế tiếp theo đó đề ra những Học thuyết, như của Khổng Tử, học thuyết của Tư Bản, học thuyết của Cộng Sản, của Vô Thần, của Hữu Thần chăng?
  • Dịch Lý có phải là những nguyên tắc, những định lý, định luật tự nhiên hay nhân tạo như trong các Khoa Học Thực Nghiệm hoặc Khoa Học Nhân Văn hiện nay chăng?
  • ……..

Nếu cứ tiếp tục đặt mãi những câu hỏi như thế thì biết bao giờ mới hết. Vậy chúng tôi mạn phép tổng kết như sau:

Dịch Lý chẳng những hiện diện trong tất cả mọi ngành học thuật, dù là đã qua, dù là chưa đến và cho đến muôn đời mãi mãi về sau, tất cả mọi ngành học-thuật bất kể hữu-hình hay vô-hình, nhân-tạo hay thiên-nhiên, con người hay muôn loài vạn-vật đều được và bị Dịch-Lý hiện diện chi phối từng giây, từng phút một không sao tránh khỏi được. Vậy Dịch Lý là cái gì mà kỳ cục thế, tôi xin giải nghĩa:

Dịch là Biến đổi, Biến-hoá. Lý là lý lẽ thuộc về phạm vi Manh-Nha Vô-Hữu. Vậy thì Biến-Hoá là cái Lý lẽ có thật trong muôn đời và khắp mọi nơi, là Chân-Lý. Hễ đã gọi là lẽ thật thì Lẽ ấy phải có thật từ lúc chưa có Trời Đất đến nay và từ nay đến mãi mãi về sau trong muôn đời và khắp mọi nơi, Lẽ ấy phải có thật mới xứng danh là Chân-Lý.

Quý vị và các bạn hãy bình tâm thử đặt câu hỏi và suy xét lại kể từ trong thâm tâm sâu kín lặng lẽ, tận trong cõi lòng mình, cho đến bao la rộng lớn bên ngoài, xem coi có cái gì là không Biến-Hóa, không biến đổi, không thay đổi, không luân chuyển, không xê dịch không?? Nếu tất thảy đều Biến-Hoá thì Biến-Hoá là cái Lẽ có thật, lẽ thật trong tất cả, bất kể không-gian, thời-gian nào.

Khi chúng ta nói đến Chân-Lý tức là muốn nói đến cái lý lẽ hằng có thật trong muôn đời và muôn nơi, bất chấp ý riêng của con người hoặc ý riêng của muôn loài vạn-vật. Người xưa đã định-nghĩa DỊCH như sau: “DỊCH, BIẾN-DỊCH DÃ. BIẾN DỊCH BẤT DỊCH DÔ. Tạm hiểu: Dịch, nghĩa là Biến-Dịch, còn cái lẽ Biến-Dịch thì không làm sao còn Biến đổi được nữa đó vậy. Nói như thế có nghĩa là cái lẽ Biến-Dịch thì hằng có mãi mãi khắp nơi và muôn đời. Nó chính là Chân-lý, là lẽ có thật đó vậy.

Khi chúng ta đi tìm học Dịch-Lý tức như chúng ta bước chân vào con đường truy tầm Chân-Lý, vì Dịch-Lý là Chân-Lý. Khi đã là Chân-Lý thì nó phải có tính khắp cùng, nơi nào cũng có, chỗ nào cũng có và thời nào cũng đúng. Đúng cả cho vô-hình lẫn hữu-hình, đúng cả ở quá khứ hiện tại lẫn vị-lai, đúng cả ở chỗ cao nhất lẫn thấp nhứt, chỗ thanh khiết nhất lẫn chỗ dơ dáy nhất, đúng cả chỗ thiện nhất lẫn chỗ ác nhất, đúng ở xã-hội loài người thì cũng phải đúng cả ở xã-hội muôn loài đã qua và chưa đến.

Nếu cái lẽ Biến-Hoá chưa có, thì linh-động, mầu nhiệm và huyền diệu cũng sẽ chưa có, Vũ-Trụ, Trời-Đất, con người cũng chưa có, nhưng hiện nay, cơ-nghiệp Tạo-Hoá đã dẫy đầy.

Với tính cách khắp cùng đó, Dịch-Lý không thể giới hạn riêng trong một phạm-vi nào, một biên-cương nào, bởi thế, nên xưa kia có người đã nói “Thần vô phương nhi Dịch vô thể” là thế. Có nghĩa là Thần không phương sở, Dịch không hình bóng. Biết như vậy, chúng ta sẽ không lấy làm ngạc-nhiên, thắc-mắc trước một câu nói tuy có vẻ quái gở nhưng lại quá đúng như sau: DỊCH KHÔNG LÀ GÌ CẢ MÀ DỊCH LÀ TẤT CẢ.

Bởi vì tất cả đều Biến-Hoá, bất kể vô-thể hay hữu-thể. Và chúng ta cũng không lấy làm lạ gì khi các ngành học tập xưa nay đều tự nhận là thân thuộc với Dịch-Lý hay từ gốc Dịch-Lý mà ra. Mặc dầu sự tự nhận đó có khi chưa Chính-danh và Chính-lý của Dịch.

Chúng ta vừa trải qua một thời-gian khá dài chính-ý và chính-nghĩa tức như để chính danh và chính lý cho hai chữ Dịch-Lý. Vậy, chúng ta hôm nay có quyền hy-vọng: Vấn đề Dịch-Lý sẽ không còn bị hay được hiểu lệch lạc một cách thật thà riêng qua bất cứ một cặp kiếng mầu nào chật hẹp nữa.

Bởi vì Dịch-Lý là lý lẽ Biến-Hoá không giây phút ngừng nghỉ, chi phối muôn loài vạn-vật, bất kể vô-hình hay hữu-hình, bất kể không-gian thời-gian nào.

Dịch-Lý cũng chẳng phải độc-quyền của riêng một dân-tộc nào, một cá-nhân nào cả.

Nói thế, có lẽ còn nhiều người thắc-mắc, tại sao có danh từ DỊCH-LÝ VIỆT-NAM???

Xin thưa là:

Điều này rất dễ hiểu, sở dĩ có danh-từ Dịch-Lý Việt-Nam hay Việt-Nam Dịch-Lý Hội cũng chỉ là ký danh, ký hiệu để đánh dấu địa-danh và thời-kỳ suy-thịnh mờ tỏ trong vấn-đề Dịch-Lý mà thôi. Vì lâu nay, người đời thường khi nghe nói đến Dịch-Lý là liên tưởng ngay đến dân-tộc Việt-Nam như là Trạng Trình hoặc dân-tộc Trung-Hoa, đến Kinh-Dịch, đến Lão Tử, Trang Tử, đến Khổng Tử, như chúng tôi đã nói, Dịch-Lý không của riêng ai. Vậy để cho vô-tư, chúng ta người Việt-Nam, khi nói Dịch hoặc nghe người khác nhắc nhở đến Dịch, chúng ta cần phải hỏi rõ ràng xem muốn nói, muốn đề cập đến thứ Dịch nào. Vì cũng là Dịch-Lý mà dân Trung-Hoa nói khác, dân-tộc Việt-Nam nói khác, dân-tộc Đại-Hàn, Nhật-Bổn, Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức, Ấn-Độ… đều nói khác nhau, có khi lại khác rất xa trong một vấn-đề.

Thật vậy, Dịch-Lý Việt-Nam không giống với bất cứ Dịch-Lý của một dân tộc nào trên thế-giới, và sách vở cổ kim chưa từng thấy có, đó cũng chính là cái lý do khai mở một Kỷ-Nguyên Mới trong nhân-loại. Vấn-đề Dịch-Lý đã cực lu mờ trong nhân-thế, cho nên Văn-Minh Âm-Dương Học Việt-Nam ngàn xưa phải sống lại, nó đã sống lại giữa lúc cục-diện nhân-loại đang trông ngóng, chờ đợi luồng gió đông thổi lên. Một sự thật mà chúng ta cần phải lưu ý là chỉ có Dân-tộc Việt-Nam mới làm sáng tỏ nổi vấn-đề Dịch-Lý mà thôi. Nó đã thực sự sống dậy bằng cách khai mở một kỷ-nguyên mới trong nhân loại. Đó là Kỷ-nguyên Tiên-Hậu Thiên Trí-Tri Ý. Để chứng minh lời nói trên, chúng ta chỉ cần xét lại tự cổ chí kim, trên thế-giới xưa nay chưa hề bao giờ có một Hội Dịch-Lý, thế mà hôm nay dân-tộc Việt-Nam chúng ta đã thành lập được một Hội Dịch-Lý đầu tiên và duy nhất trên khắp hoàn-cầu. Đây là một điểm son Lịch-Sử, một kỳ quan trọng trong nhân-loại, một quốc-bảo của dòng giống Lạc-Hồng, một niềm hãnh diện lớn lao cho dân-tộc Việt-Nam trước năm châu.

Kỷ-nguyên Tiên-Hậu Thiên Trí-tri Ý là một chứng tích hùng-hồn, tiêu-biểu nhất cho «Bốn ngàn năm Văn-hiến» của Dân-tộc Việt-Nam. Khai-mở kỷ-nguyên mới trong nhân-loại từ năm Ất-Tỵ (1965) đến nay là Tân-Hợi (1971), dân-tộc Việt-Nam kể như đã đánh tan cái mặc-cảm tự-ti, nhược tiểu, chậm tiến. Không còn có vấn-đề chỉ xách gói, xách bị theo học của ngoại bang suông nữa. Nếu không muốn nói ngược lại, điều này đã chứng-minh và sẽ chứng-minh rõ hơn nữa trong tương-lai.

Chúng ta may mắn lại có mặt ở một thời-đại huy hoàng nhất trong Lịch-sử Việt-Nam, một thời-đại mà dân-tộc Việt-Nam đã oai hùng uy-nghi và nghiêm chỉnh khai mở cho Nhân-loại kỷ-nguyên mới. Chúng ta hãy lấy điều đó làm hãnh diện Dân-tộc và rồi chúng ta hãy chung lưng góp sức thổi luồng gió mới đó đến khắp tận hang cùng ngõ hẻm để toàn thể nhân-loại sớm tận hưởng an hòa lạc duyệt trong cảnh Trời rộng thênh thang của kỷ nguyên mới.

Trước khi chấm dứt, một lần nữa, nếu sự trình bày của chúng tôi chưa được rõ ràng hay có điều chi sơ sót, kính xin các bạn cao-minh niệm tình tha thứ và chỉ điểm cho. Và trong quý vị có điểu chi thắc-mắc, chúng tôi xin trả lời đầy đủ hơn tại trụ-sở Việt-Nam Dịch-Lý Hội (457/96 Lê-văn-Duyệt, Hoà-Hưng, Sài gòn Quận 10).

Trân-trọng kính chào.

XUÂN PHONG NGUYỄN VĂN MÌ

Năm Tân Hợi 1971 tháng 07 âm lịch, ngày 11.
Viết xong giờ Tuất – (giờ Nhu-Thái)

Các kênh thông tin của chúng tôi

Bài viết cùng chủ đề: