Đại Cương Dịch Lý Nhập Môn (P4): Ký Hiệu ÂM DƯƠNG

thanhai2000Tháng chín 25, 2016
360 lượt xem

4. Ký hiệu Âm Dương

Âm Dương là gì?

Âm Dương là hai danh từ tượng trưng để phân biệt chỗ Đồng Nhi Dị của vạn hữu.

Âm Dương cũng còn là hai tiếng nêu lên của khoa Động Tĩnh học để cho mọi người có thể lấy đó làm đường lối mà nhận định các vật, việc mọi nơi; đều có tánh cách tuy là tương cầu mà như có ngược lại với nhau chẳng hạn như ngày thì đối với đêm, nóng đối lạnh, tối đối sáng, trống đối mái, cao đối thấp, mau đối chậm, nặng đối nhẹ, già đối trẻ, nam đối nữ..…

Những yếu tố có tánh cách nhu cầu mà tương quan như các dẫn chứng trên, đã diễn ra dưới muôn vàn hình thức khác nhau, song tất cả đều nằm trong một hệ thống nhất luật. Vì vậy, người xưa đã nghĩ cách đặt ra các ký hiệu giản dị, dễ biết, tượng trưng cho các yếu tố có tánh cách hơi khác biệt với ước vọng là sẽ kiểm soát được mọi tiến hóa, mọi động tĩnh đổi thay của chúng để phác họa cho mình một đời sống thích hợp với luật động biến.

Tôi đã dùng hình 131 vòng tròn là để chỉ cho rõ lý Ngũ Hành. Trong 130 hình tròn đó đã đủ gây cho các bạn một ấn tượng về Ngũ Hành, nhưng về Lý Âm Dương luân chuyển Tứ Tượng, Bát Quái do phối hợp mà sinh thành thì rất mờ, vậy chúng ta có thể lấy hình 2 vòng tròn A, A’ thu nhỏ lại thành:

  • Hai dấu chấm làm ký hiệu của Âm, tượng trưng cho Tĩnh, khó thấy biết ngoài thần trí con người.
  • Một dấu chấm làm ký hiệu của Dương, tượng trưng cho Động, dễ thấy biết, có thần trí con người ở trong.

Hoặc đổi hai dấu chấm thành điểm tròn đen (·) và một chấm thành điểm tròn trắng (o) mà Hà Đồ và Lạc Thư của dân tộc Trung Hoa đã mượn các điểm tròn đen, trắng ấy để diễn tả ý niệm Âm Dương, Ngũ Hành sinh hóa..…

Nếu, biểu diễn cả hệ thống Âm Dương, Ngũ Hành bằng các điểm tròn đen, trắng, chúng ta khó phân biệt được các giai đoạn sinh trưởng của Âm Dương, Ngũ Hành. Vì vậy, để khỏi nhầm lẫn và cho được rõ ràng hơn, ta kéo dài hai chấm thành vạch đứt (– –) để tượng hình Âm và một chấm thành vạch liền (  ) để tượng hình Dương hoặc hiểu cách khác là Vô hay Hữu, Động hay Tĩnh, huyền vi hay hiển hiện thì cũng vậy.

Khi đã có được hình bóng gồm nghĩa Động, Tĩnh tức Âm Dương rồi thì từ đó 2 vạch này sẽ là nguyên ủy để tác thành Hữu Hình Học cho khoa Động Tĩnh Học vậy.

Dù là chấm hay vạch, chúng ta cũng đều thấy rõ lý quân bình ở trong.

Ví dụ: trên một tờ giấy trắng, tượng trưng khoảng Không Hoàn Toàn Không, ta ghi một chấm hay vạch lên mặt tờ giấy:

A 2016-09-28-19_08_42-bai-01-pdf-foxit-reader
B

Ta thấy, nếu lấy phía trên hay phía dưới, bên tả hay bên hữu của chấm hay vạch, so với nhau để tượng trưng ý niệm có sự thăng bằng hấp dẫn bên trong:

Thì dù quan niệm bằng hình, vạch hay chấm, tất cả cũng đều cho ta cái lý một hai, mộtba, một mà có năm là nguyên lý duy nhất, biểu hiện sự sinh hóa muôn đời vậy.

Chúng ta có thể giả sử là bây giờ cứ đem cái vạch Âm hoặc Dương chồng chất lên nhau, với tư cách là hoàn toàn không biết gì về hệ thống luân chuyển, cùng cách thức phối hợp của Âm Dương ra sao nghĩa là chúng ta chỉ hiểu là Âm Dương quây quần hoặc trên ¦|, hoặc dưới , hoặc là Âm trên Âm ¦¦, hay Dương trên Dương || thì thấy rằng:

Sau khi phối hợp lộn xộn như thế ta có được bốn hình bóng (Tứ Tượng) đại diện cho muôn vàn cái Động, Tĩnh từ trong vô giây đến giây, phút, giờ, ngày, tháng, năm..…

Bốn hình bóng này là bốn hiện trạng có tính lực khác biệt nhưng tương quan với nhau nên ta có thể dựa vào tính lực của nó mà gán cho mỗi hình bóng một danh từ để neo ý tưởng và cho dễ nhận biết như là:

  • Dương nhiều thì gọi là Thái Dương
  • Âm nhiều thì gọi là Thái Âm
  • Một Dương trên một Âm thì gọi là Thiếu Dương
  • Một Âm trên một Dương thì gọi là Thiếu Âm

Tóm lại, chúng ta có thể bảo rằng tất cả chỉ có cái lý lẽ Tĩnh tương Tĩnh, Động tương Động hoặc Động tương Tĩnh, Tĩnh tương Động. Vậy, nếu Động, Tĩnh hay Âm Dương ấy cứ chuyển biến không đình nghỉ thì bốn hình bóng của Thái Âm, Thái Dương, Thiếu Âm, Thiếu Dương sẽ tạo cho cái nguyên ủy đầu tiên thành cái gì? Nên ta đem Âm Dương giao qua, trên hoặc dưới của bốn hình bóng đã có, để xem cái Âm hoặc cái Dương đó, thành ra những hình tượng thế nào?

Chúng ta thấy có được tất cả 16 hình bóng hoặc:

  • Thượng khuyết (trên đứt)
  • Trung hư (giữa rỗng)
  • Hạ đoạn (dưới đứt)
  • Trung mãn (giữa đầy)

Và bỏ bớt những tượng hoặc hình trùng nhau thì còn lại được 08 hình bóng có tên là Bát Quái như sau:

Tám hình bóng này là tám hiện tượng hay tám định lý căn bản, diễn tả lại 08 trạng thái hay 08 giai đoạn thành hình từ uyên nguyên qua tự hữu đến nguyên khí, nguyên tính, nguyên thần, nguyên sắc, nguyên chất, nguyên thể của mọi sự việc, cho nên dù là muôn sự hóa sinh hỗn độn bất cứ cách nào cũng không ra ngoài được 08 định lý ấy.

Vậy, theo lý tính liên quan mật thiết của Âm Dương ta có thể gán cho mỗi hình bóng một tên tùy theo hình thể của chúng, như thấy:

  • Ba vạch liền nhau (tam liên) thì gọi là         KIỀN |||
  • Ba vạch liền ấy đứt thành 6 khúc (lục đoạn) thì gọi là  KHÔN ¦¦¦
  • Trên dưới đều liền, vạch giữa đứt (trung hư) thì gọi là LY |¦|
  • Trên dưới đều đứt, vạch giữa liền (trung mãn) thì gọi là KHẢM ¦|¦
  • Trên giữa đều liền, vạch dưới đứt (hạ đoạn) thì gọi là TỐN ||¦
  • Trung hạ đều liền, vạch trên đứt (thượng khuyết) thì gọi là ĐOÀI ¦||
  • Trên giữa đều đứt, vạch dưới liền (ngưỡng bồn) thì gọi là CHẤN ¦¦|
  • Hạ trung đều đứt, vạch trên liền (phúc uyển) thì gọi là      CẤN |¦¦

Thế là với tánh cách hoàn toàn vô tư, chúng ta đã có thể tự tạo thành được 08 hình bóng với 08 sơ danh là Khôn, Cấn, Khảm, Tốn, Chấn, Ly, Đoài, Kiền. Tám sơ danh này thời xưa đã đặt ra để neo ý tưởng, để truyền lại cho hậu thế suy ngẫm, học tập dựa theo đó mà phát kiến thêm những điều mới lạ (ôn cố tri tân). Cho nên, riêng theo quan niệm của tôi thì đó là một sự bất đắc dĩ trong khi làm sách vì gượng ép mà giả lập để cho sau này học giả dễ nhận biết. Vì vậy, tôi mong rằng khi nghiên cứu và thực nghiệm những điều viết ra trong tập sách này, các bạn nên xem như là một phương tiện mà chúng có thể giúp cho các bạn thâu ngắn được nấc thang Chân Lý, chớ các bạn đừng học chết nghĩa của 08 sơ danh ấy mà sẽ không đạt được .

Để sáng tỏ phần nào về 08 sơ danh Khôn, Cấn, Khảm, Tốn, Chấn, Ly, Đoài, Kiền, tiền nhân đã thử tìm hộ cho chúng ta trong cơ nghiệp Tạo Hóa, sự vật nào có thể có được Đức Tính tương tự như 08 sơ danh của 08 hình bóng trên như sau: nếu suy theo Lý Âm Dương, thượng hạ, thì :

  • KIỀN có nhiều vạch Dương, chỗ ở là trên, tính Động ở ngôi tôn kính, cương kiện, rộng lớn nên có thể lấy Trời (thiên) để tượng trưng cho nghĩa KIỀN.
  • KHÔN có nhiều vạch Âm, chỗ ở là dưới, Tĩnh, nặng, nhu thuận, hẹp, nhỏ nên có thể lấy Đất (địa) để tượng trưng cho nghĩa KHÔN.
  • Trời Đất có biến lực và tụ lực. Biến lực thuộc Dương, tính nóng sáng nên có thể lấy Lửa (hỏa) để tượng trưng cho nghĩa LY và tụ lực thuộc Âm, tính lạnh, tối, nên có thể lấy Nước (thủy) để tượng trưng cho nghĩa KHẢM.
  • Nước, Lửa bất thường gặp nhau, tạo nên sự sôi động, gầm thét, dấy lên, nên có thể lấy Sấm (lôi) để tượng trưng cho nghĩa CHẤN và tiếng gầm thét, sôi động ấy tan biến, chạy đi kinh động khắp trong muôn vật nên có thể lấy Gió (phong) để tượng trưng cho nghĩa TỐN.
  • Còn những sự vật, ta thường có thể lui tới, thấy biết, gần gũi được thì hoặc là lồi hoặc lõm nên có thể lấy Núi (sơn), Đầm (trạch) để tượng trưng cho nghĩa CẤN và ĐOÀI.

Tóm lại, trong khi đặt tên cho 08 sơ danh: Khôn, Cấn, Khảm, Tốn, Chấn, Ly, Đoài, Kiền, tiền nhân đã ngữa trông và tôn kính, cúi xét mà phân định sự vật theo đặc tính của Âm Dương, nên đã cho nghĩa Âm Dương là Trời Đất đáng liền với Kiền, Khôn, và tiếp tục tìm trong khoảng Trời Đất ấy, cứ một thượng rồi lại một hạ, tức như thượng Hỏa, hạ Thủy thì đáng với Ly, Khảm, thượng Động hạ Tĩnh thì đáng với Chấn, Cấn, còn chạy đi, hoặc ở thì đáng với Tốn, Đoài.

Như vậy, 08 hình bóng này chỉ cho ta một ý niệm đại cương về sự vật trong bao la, cũng chỉ có Âm Dương mà thôi. Nếu muốn thấu đáo từng trạng thái của muôn vàn cái động, tĩnh trong trời đất thì chúng ta phải rõ được hệ thống động tĩnh tức là các sự biến động theo trong khuôn khổ nào.

Chúng ta đem Định Lý 08 ấy cùng với Định Lý, tức là 08 làm Âm và 08 làm Dương thành ra là hệ thống của Động Tĩnh để diễn đạt thêm nghĩa cấu tạo Âm Dương của vạn loại mà được 64 cái Lý Tính Âm Dương khác (chúng ta có thể tưởng tượng hệ thống Động Tĩnh như là một cái lò đúc lớn của Tạo Hóa trong đó chỉ có 64 mẫu khuôn, hình dáng khác nhau và chính lò này đã đúc ra bộ mặt của Vũ Trụ cùng với vạn loài dưới nhiều hình thức, rồi quá trình tiến hóa của Vũ Trụ, đến nay có nào là : người, vật, cỏ, cây, sắt, đá,..…). Có đầy đủ ý nghĩa của Luật Động Biến hơn mà bất cứ sự vật nào cũng phải trải qua 64 trạng thái, hệ thống Động Tĩnh ấy, mới có thể tự nó vượt lên và sát nhập vào vòng sinh hóa, luân chuyển được.

Khi ghép 2 đơn Quái chồng lên nhau để thành một Quái kép, trong 64 Quái thì tên của mỗi đơn Quái sẽ đọc là:

Kiền      đọc là     Thiên
Đoài      ………      Trạch
Ly         ………       Hỏa
Chấn     ………       Lôi
Tốn       ………       Phong
Khảm    ………       Thủy
Cấn       ………       Sơn
Khôn     ………       Địa

Ví dụ:

Ghép Quái Kiền với Quái Khôn ta được một Quái kép có tên là Bỉ

Kiền   =   Thiên
Khôn  =   Địa           Thiên Địa Bỉ

Ghép Quái Ly với Quái Tốn ta được một Quái kép có tên là Đỉnh

Ly      =   Hỏa
Tốn    =   Phong       Hỏa Phong Đỉnh

Các kênh thông tin của chúng tôi